QUY CHẾ CARITAS VIỆT NAM

Logo Caritas Việt Nam (x. Quy Chế, điều 4)
Logo Caritas gồm hình Thánh Giá với các ngọn lửa màu đỏ toả ra xung quanh và phía dưới là dòng chữ Caritas Việt Nam.
Rất nhiều tổ chức Caritas quốc gia đã dùng hình ảnh này theo ý nghĩa sau đây: Thánh Giá là trung tâm điểm của mọi hoạt động bác ái vì việc hiến thân trên thập giá của Đức Giêsu Kitô là hành động yêu thương cao cả nhất mà Người thực hiện cho Thiên Chúa và cho con người.
Chiều dọc của Thánh Giá tượng trưng sự liên kết của con người với Thiên Chúa, chiều ngang nói lên trách nhiệm của con người đối với nhau trong xã hội (x. 1Ga 4,20-21). Hai chiều này cần tương ứng với nhau. Những ngọn lửa lan toả ra từ Thánh Giá biểu lộ tác động của Chúa Thánh Thần: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (x. 2 Cr 5,14). Người thôi thúc mọi thành viên Caritas thực hiện việc bác ái để phục vụ anh chị em đồng loại.

Nền tảng Thánh Kinh và thần học của hoạt động bác ái xã hội (x. Quy Chế, điều 5)
Caritas Việt Nam hoạt động dựa trên những đòi hỏi của Tin Mừng, để góp phần xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và huynh đệ, trong đó quyền lợi và nhu cầu của người nghèo được tôn trọng cách xứng đáng.
Caritas Việt Nam dựa trên mấy suy tư căn bản về Thánh Kinh và Thần học sau đây:
1. Thiên Chúa Cha, Đấng hằng yêu thương và giàu lòng thương xót, là nguồn năng lực của  Caritas.
2. Đức Kitô và sứ điệp của Người là mục đích và sự cổ vũ cho Caritas
3. Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh của Caritas
4. Giáo Hội là gương mẫu sinh hoạt của Caritas
5. Người tín hữu tham gia hoạt động Caritas là người sống mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa để tìm được năng lực nơi Chúa Cha, sự phục vụ như Chúa Kitô, sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sự hiệp thông với Giáo Hội.

Mục đích (x. Quy Chế, điều 6)
Dưới sự chỉ đạo của HĐGMVN, Caritas Việt Nam thực hiện các hoạt động bác ái xã hội theo những mục đích sau:
1. Thăng tiến và phát triển con người toàn diện.
2. Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.
3. Phát huy tình yêu thương bác ái, liên đới giữa mọi người trong xã hội.
4. Giúp đỡ khẩn cấp khi có thiên tai hay dịch bệnh.

Tôn chỉ (x. Quy Chế, điều 7)
Caritas Việt Nam hoạt động theo những tôn chỉ sau:
1. Bảo vệ nhân phẩm và sự sống con người, nhất là người nghèo khổ, yếu kém trong xã hội.
2. Dấn thân hoạt động để xây dựng xã hội trong công lý và hoà bình.
3. Cổ vũ tình liên đới để phát triển các mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc trong gia đình nhân loại.

Đối tượng phục vụ (x. Quy Chế, điều 8)
Đối tượng phục vụ của Caritas Việt Nam là người nghèo. Họ là những người thiếu thốn về vật chất và tinh thần, không đủ phương tiện để sống, bị gạt ra bên lề xã hội vì bất cứ lý do gì. Họ là những người bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, trẻ em đường phố, những người mù chữ, những người hành nghề không xứng với nhân phẩm của mình, phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, những di dân nghèo khổ… Họ là những người bệnh tật: khuyết tật, bệnh nhân tâm thần, phong cùi, nghiện ma tuý, nghiện rượu, nhiễm HIV/AIDS, nhiễm chất độc màu da cam…

Sứ mạng (x. Quy Chế, điều 9)
Caritas Việt Nam có nhiệm vụ giúp HĐGMVN thực hiện các công tác bác ái xã hội theo các mục đích và tôn chỉ trên.
– Hợp tác với các tổ chức từ thiện bác ái trong cũng như ngoài nước để thực hiện các hoạt động bác ái xã hội.
– Phối hợp với Caritas các giáo phận để tổ chức các hoạt động bác ái xã hội, thực hiện các chương trình và dự án theo kế hoạch đề ra.

Nguyên tắc hoạt động  (x. Quy Chế, điều 10)
Caritas Việt Nam hoạt động theo những nguyên tắc đạo đức Kitô giáo và Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo.
Caritas Việt Nam hoạt động theo nhu cầu. Caritas Việt Nam là một tổ chức tự nguyện đảm nhận các công tác xã hội. Caritas Việt Nam cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh hay gặp hoàn cảnh khốn cùng, không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc, chính trị.
Caritas Việt Nam là một tổ chức bác ái xã hội chuyên nghiệp. Việc quản trị phải chặt chẽ, trong sáng, minh bạch, công khai và có hiệu quả cao.
Caritas Việt Nam là một tổ chức hợp nhất trong đa dạng, mọi hoạt động của Caritas dựa trên sự cộng tác, tham gia và đóng góp tự nguyện của các thành viên. Theo nguyên tắc bổ trợ, Caritas Việt Nam vẫn tôn trọng sự dấn thân và tính độc lập của các giáo phận, giáo xứ, hiệp hội, đoàn thể và cá nhân. Caritas Việt Nam luôn sát cánh với các cơ quan từ thiện khác.

Cơ cấu tổ chức Caritas Việt Nam  (x. Quy Chế, điều 11)
Tổ chức Caritas Việt Nam ra đời nhằm phối hợp cách hữu hiệu những hoạt động của các tín hữu Công giáo và mọi người thiện chí để thực hiện các mục đích nêu trên.
a. Ban Thường Trực ở Caritas Trung ương gồm:
+  Chủ tịch
+ Tổng Thư ký với Văn phòng Tổng Thư ký gồm Thư ký Thường trực, các chuyên viên, cố vấn (pháp luật, kinh tế, chính trị) để hoạch định kế hoạch, chính sách và đường hướng hoạt động cụ thể cho Caritas trong từng thời kỳ.
+ Các phòng ban chuyên môn: y tế cộng đồng, cứu trợ, phát triển, giáo dục đào tạo, truyền thông, đối ngoại, tài chính, quản lý nhân sự. Các văn phòng này được lập ra theo nhu cầu hoạt động.
– Y tế cộng đồng: thực hiện chương trình chăm lo sức khoẻ cộng đồng cho người nghèo qua các hoạt động như khám bệnh, truyền thông sức khoẻ.
– Cứu trợ: thực hiện các chương trình cứu trợ khẩn cấp cho những nạn nhân thiên tai, dịch bệnh, các nạn nhân xã hội (HIV/AIDS, nghiện ma tuý, nghiện rượu, bệnh xã hội), nhận các nguồn hàng cứu trợ và chuyển đến các nạn nhân, điều phối tình nguyện viên cho các hoạt động cứu trợ.
– Giáo dục đào tạo: thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về bác ái xã hội; các chương trình giáo dục đào tạo cho người nghèo như xoá mù chữ; dạy nghề; cấp học bổng cho học sinh nghèo, người khuyết tật, người thiểu số nghèo; tổ chức các lớp tập huấn về các kỹ năng xã hội, các buổi nói chuyện chuyên đề.
– Truyền thông: thông tin các hoạt động của Caritas qua các bản tin gửi đến các giáo phận và giáo xứ hay trên trang web, in ấn các tài liệu cho các cuộc vận động quyên góp gây quỹ, lập danh bạ các tổ chức bác ái xã hội trong giới Công giáo, thu nhận và xử lý các dữ liệu về xã hội để cung cấp cho các hoạt động của các phòng ban.
– Phát triển: nghiên cứu, soạn thảo và thực hiện các dự án phát triển cộng đồng cho người nghèo như nguồn nước sạch, tín dụng nhỏ… kiểm tra, đánh giá hiệu quả các dự án và các chương trình phát triển của các phòng ban khác.
– Đối ngoại: liên lạc với các tổ chức trong và ngoài nước, tiếp đón các đoàn khách.
– Tài chính: phụ trách tất cả các công tác tài chính kế toán, lưu trữ sổ sách, hồ sơ, tài liệu, thủ thư.
– Quản lý nhân sự: phụ trách công tác tuyển chọn và điều phối nhân sự, đào tạo chuyên môn, quản lý hồ sơ nhân sự, phụ trách công đoàn.
b. Caritas Giáo phận gồm: Trưởng ban Caritas Giáo phận và các Thư ký trong các Văn phòng trực thuộc.
c. Caritas Giáo xứ gồm: vị trưởng ban và các thành viên.
Trong Đại hội lần thứ X của HĐGMVN tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 08-10 đến 12-10-2007, HĐGMVN đã bầu ra vị Chủ tịch mới của Caritas Việt Nam là Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh cho nhiệm kỳ 2007-2010 và vị Tổng Thư ký được Đức Cha Chủ tịch chỉ định là Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn. (Hiện nay Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu làm Chủ tịch và Lm. Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, SBD làm Tổng Thư ký).

Cơ cấu điều hành Caritas Việt Nam  (x. Quy Chế, điều 12)
Caritas Việt Nam được điều hành bởi Hội đồng Quản trị và Hội đồng Đại biểu.
1. Hội đồng Quản trị gồm:
– Đức cha Chủ tịch UBBAXH đồng thời là Chủ tịch Caritas Việt Nam. Ngài điều hành tổng quát mọi tổ chức hoạt động bác ái xã hội tại Việt Nam và chỉ định Tổng thư ký.
– 1 Tổng Thư ký: Tổng Thư ký giúp Đức cha trong việc quản lý, điều hành những sinh hoạt bác ái xã hội tại Việt Nam.
– 3 đại diện của Caritas Giáo phận (mỗi Giáo tỉnh 1 người).
– 2 đại diện dòng tu nam, nữ.
– 1 tình nguyện viên (giáo dân).
Hội đồng Quản trị họp 3 tháng 1 lần và khi có nhu cầu cần thiết.
2. Hội đồng Đại biểu gồm:
– Đức cha Chủ tịch.
– Tổng Thư ký.
– 27 Trưởng ban Caritas giáo phận.
– Các Trưởng văn phòng: y tế cộng đồng, cứu trợ, phát triển, giáo dục đào tạo, truyền thông, đối ngoại, tài chính và quản lý nhân sự.
– 4 đại diện các dòng tu nam nữ (2 nam, 2 nữ).
– 2 đại diện của tình nguyện viên.
Hội đồng Đại biểu họp mỗi năm 1 lần và khi có nhu cầu cần thiết. Hội đồng đại biểu Caritas Việt Nam bầu ra 3 vị đại diện Caritas giáo phận và 2 vị đại diện dòng tu, 1 tình nguyện viên (giáo dân) vào Hội đồng Quản trị theo nhiệm kỳ 3 năm.
Các quyết định của Caritas Việt Nam phải được đa số quá bán thành viên tham dự chấp thuận.

Hoạt động của Caritas các cấp  (x. Quy Chế, điều 13)
Caritas Trung ương:

– HĐGMVN bầu vị Chủ tịch Caritas Việt Nam.
– ĐGM Chủ tịch chỉ định Tổng Thư ký.
– Hội đồng Đại biểu bầu ra các phòng ban phụ trách.
– Caritas Trung ương nghiên cứu các vấn đề xã hội, đề xuất những dự án, thực hiện hay hỗ trợ các hoạt động bác ái xã hội trên toàn quốc.
– Giám định và lượng giá những dự án hoạt động xã hội.
– Caritas Trung ương sẽ hỗ trợ tinh thần, vật chất khi địa phương có những nhu cầu cần thiết hoặc gặp thiên tai, hoạn nạn.
– Tổ chức và hỗ trợ các khoá đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp hay thường huấn cho Caritas Trung ương và Caritas Giáo phận.
– Hợp tác chặt chẽ với Caritas Quốc tế nhằm phát triển và đáp ứng những nhu cầu cần thiết trên thế giới.
– Hợp tác với các tổ chức hoạt động từ thiện xã hội khác trong và ngoài nước.

Caritas Giáo phận:    
– Đức Giám mục giáo phận chỉ định linh mục, tu sĩ, hay giáo dân làm trưởng ban Caritas Giáo phận. Trưởng ban Caritas Giáo phận điều hành văn phòng Caritas Giáo phận và những sinh hoạt bác ái xã hội của giáo phận.
– Văn phòng Caritas Giáo phận gồm 1 hoặc 2 chuyên viên Caritas thường trực. Để các Caritas Giáo phận đi vào hoạt động trong những bước đầu, Caritas Trung ương sẽ cung cấp những thiết bị văn phòng và hỗ trợ tiền lương cho các chuyên viên này trong 2 hoặc 3 năm đầu. Sau đó, Caritas Giáo phận sẽ tự đảm nhận.
– Caritas Giáo phận nghiên cứu các vấn đề xã hội của giáo phận, đề xuất những dự án, thực hiện các hoạt động bác ái xã hội của giáo phận.
– Caritas Giáo phận thường xuyên thông tin định kỳ hằng quý (3 tháng) về các hoạt động cho Caritas Trung ương, để được hỗ trợ kịp thời hoặc liên kết các chương trình, nhằm nâng cao các hoạt động bác ái xã hội trong giáo dân. (Đề nghị: để thông tin được nhanh chóng và tiện lợi, mỗi Caritas Giáo phận cần lập một địa chỉ Email).
– Tổ chức các khoá huấn luyện theo chuyên đề phù hợp với nhu cầu của giáo phận.
– Cộng tác với các tổ chức hoạt động xã hội khác trong phạm vi giáo phận.
Ở giáo hạt (nếu có)
– Linh mục hạt trưởng chỉ định vị trưởng ban Caritas Giáo hạt.
– Vị trưởng ban Caritas Giáo hạt điều hành những sinh hoạt, hoạt động bác ái trong giáo hạt thông qua cha hạt trưởng.
Ở giáo xứ:
– Linh mục quản xứ chỉ định vị trưởng ban giáo xứ.
– Vị trưởng ban Caritas Giáo xứ có thể là người trong hội đồng mục vụ giáo xứ hay ban hành giáo.
– Vị trưởng ban điều hành những sinh hoạt, hoạt động bác ái xã hội trong giáo xứ thông qua cha xứ.
– Mọi tín hữu trong giáo xứ có thể tham gia các hoạt động bác ái của Caritas giáo xứ trong khi vẫn là thành viên của các đoàn thể khác.
– Nếu muốn tham gia một cách chính thức và lâu dài, người tín hữu có thể đăng ký làm hội viên của Caritas Việt Nam và được Văn phòng Caritas Trung ương cấp Thẻ Hội viên.

Tình nguyện viên của Caritas Việt Nam
Caritas Việt Nam không chỉ là một tổ chức bác ái xã hội theo nghĩa thông thường, nhưng còn là một đoàn thể Công giáo Tiến hành để giúp người tín hữu sống tình bác ái của Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Vì thế, Giáo Hội toàn cầu và Hội đồng Giám mục Việt Nam khuyến khích tín hữu tham gia vào hoạt động này như một hội viên.
Tuy nhiên, những hội viên còn được mời gọi để thể hiện tình bác ái của Đức Kitô một cách thiết thực qua những công tác tự nguyện do Caritas Trung ương hay do Caritas Giáo phận phát động. Thí dụ như: đến một cơ sở bác ái để chăm sóc những người già, người bệnh hay trẻ mồ côi hoặc tham gia một chiến dịch xoá mù chữ ở một buôn làng nào đó. Họ trở thành những tình nguyện viên của Caritas Việt Nam.
Mỗi tình nguyện viên có thể đăng ký tham gia các hoạt động bác ái xã hội tuỳ theo khả năng của mình và được hưởng các quyền lợi thiêng liêng và vật chất như các hội viên của Caritas Việt Nam.

Nhiệm kỳ  (x. Quy Chế, điều 14)
Nhiệm kỳ của vị Giám mục Chủ tịch Caritas thường là 3 năm và có thể được bầu lại trong đại hội của HĐGMVN. Nhiệm vụ của Giám mục Chủ tịch chấm dứt khi HĐGMVN thay đổi vị giám mục đặc trách Caritas Việt Nam, nhưng vị này sẽ xử lý thường vụ cho đến khi bàn giao cho vị chủ tịch mới.
Nhiệm kỳ của Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký, Thủ quỹ cũng như các thành viên trong các phòng ban kết thúc khi vị chủ tịch bổ nhiệm những người mới vào các chức vụ này.

Quỹ hoạt động  (x. Quy Chế, điều 15)
Quỹ hoạt động của Caritas Việt Nam hình thành từ sự đóng góp tự nguyện của các hội viên, các ân nhân và các tổ chức trong cũng như ngoài nước.
Quỹ này bao gồm tất cả nguồn nhân lực, vật lực, tình yêu của con người cũng như ân sủng, quyền năng và nhất là tình thương của Thiên Chúa mà con người có thể đóng góp vào để thể hiện lòng bác ái cho nhau.
Trong tinh thần tự lập và tự trọng, HĐGMVN khuyến khích tổ chức Caritas Việt Nam dựa vào nội lực của đồng bào Việt Nam để thực hiện các dự án bác ái xã hội và vươn tới việc có thể trợ giúp những người nghèo, nạn nhân thiên tai hay dịch bệnh ở nước ngoài.
Hội viên Caritas trong giáo xứ đóng góp tiền bạc hay vật dụng để lập thành quỹ sinh hoạt tại giáo xứ. 50% khoản tiền thu được của Caritas Giáo xứ được dùng để phục vụ nhu cầu người nghèo ở địa phương, cứu trợ khẩn cấp, trả lương văn phòng. 50% số tiền còn lại sẽ góp về Caritas Giáo phận để thực hiện các dự án bác ái xã hội của giáo phận, trả lương văn phòng.
Để Caritas Trung ương có thể hoạt động lâu dài và hữu hiệu, mỗi năm vào Mùa Chay sẽ phát động chiến dịch quyên góp tự nguyện tại các giáo xứ cho quỹ của Caritas Trung ương.
Tất cả các tổ chức hay cá nhân trong và ngoài nước có thể đóng góp cho hoạt động xã hội của Caritas Việt Nam, miễn là sự đóng góp đó không bắt nguồn từ những hành động ngược với đạo lý con người hay Giáo lý của Giáo hội Công giáo.

Việc ban hành Quy chế 
Quy chế này được Hội đồng đại biểu Caritas biểu quyết chấp thuận trong phiên họp ngày 23-10-2008, tại Toà Giám mục Xuân Lộc.
Quy chế này được áp dụng tạm thời trong thời hạn 6 tháng, sau đó sẽ được đệ trình lên HĐGM VN để được phê chuẩn và chính thức ban hành.

Việc sửa đổi Quy chế
Quy chế này gồm 17 điều. Mọi thay đổi trong Quy chế này phải được Hội đồng đại biểu chấp thuận và được sự chuẩn nhận của HĐGM VN.

Làm tại Xuân Lộc, ngày 24-11-2008
TM. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
TM. CARITAS VIỆT NAM

NỘI QUY DÀNH CHO HỘI VIÊN CARITAS VIỆT NAM

Điều 1. Linh đạo bác ái
Linh đạo này rút ra từ giáo huấn của Công đồng Vatican II, từ bản Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, do Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình ban hành, năm 2004, nhất là từ Thông điệp Deus Caritas est (x. TĐ. Thiên Chúa là Tình yêu) của ĐTC Bênêđictô XVI, công bố ngày 25-12-2005.
Hội viên Caritas được mời gọi sống triệt để «tinh thần bác ái». Bác ái là tình yêu thương, là sự chia sẻ, quan tâm đến đau khổ, thiếu thốn về mặt vật chất và tinh thần của từng cá nhân. Bác ái là điều răn mang tính xã hội cao cả nhất. Bác ái là tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ.

Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một trách nhiệm của người Kitô hữu, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội. Thực thi đức ái Kitô giáo trước hết là lời đáp trả trực tiếp và khẩn cấp trong những hoàn cảnh cụ thể: cho người đói có lương thực, người trần truồng có áo quần, người bệnh được chữa trị chăm sóc… (x. Mt 25,40). Qua sự dấn thân phục vụ những anh chị em bé mọn nhất, con người sẽ gặp gỡ được chính Đức Giêsu, và trong Đức Giêsu con người sẽ gặp gỡ Thiên Chúa là nguồn tình yêu vì «Yêu người là con đường dẫn đến Thiên Chúa, và quay lại với tha nhân sẽ làm cho chúng ta ra mù loà không gặp được Ngài» (x. TĐ. Thiên Chúa là Tình yêu, số 16).

Hội viên Caritas trước tiên là người được tình yêu Đức Kitô chinh phục. Khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, họ có thể trao ban tình yêu này cho những anh chị em đồng loại qua những việc bác ái. «Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi» (2 Cr 5,14). Thật vậy, con người có khả năng nhận ra tình yêu Thiên Chúa và đáp lại tình yêu đó. Vì thế, cách nhìn của họ về người khác không chỉ xuất phát từ tình cảm tự nhiên, nhưng từ cách nhìn của Đức Kitô để khám phá ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những người mình phục vụ. «Chỉ có việc phục vụ tha nhân mới mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Người đã yêu tôi như thế nào» (x. TĐ. Thiên Chúa là Tình yêu, số 18).

Như thế, mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau. Tình yêu bác ái được trao tặng cách nhưng không cho những con người cụ thể, đặc biệt cho những người sống bên lề xã hội, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị. Nó không phải là phương tiện để chiêu dụ tín đồ như một ít người đã hiểu lầm.

Tình yêu tha nhân bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, trước tiên là trách nhiệm của từng người Kitô hữu, nhưng cũng là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội là chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm những hoạt động bác ái. Caritas là một tổ chức của Giáo Hội nhằm khơi dậy ý thức về tình bác ái yêu thương nơi mọi người trong xã hội, từ đó dẫn đến những hoạt động thiết thực giúp đỡ nhau (x. TĐ. Thiên Chúa là Tình yêu, số 20).
Những hội viên Caritas sẽ được đào tạo về chuyên môn với những kỹ năng nghiệp vụ để hoạt động bác ái hiệu quả hơn (x. TĐ. Thiên Chúa là Tình yêu, số 31a). Nhưng trên hết mọi sự, họ phải luôn noi gương Đức Giêsu sống khiêm tốn «chúng tôi là những đầy tớ vô dụng» (Lc 17,10). Họ phải luôn xác tín rằng: khả năng giúp đỡ người khác là một hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là công đức và sự nghiệp của bản thân (x. TĐ. Thiên Chúa là Tình yêu, số 35). Họ là những công cụ mà Thiên Chúa dùng để trao ban tình thương của Ngài. Muốn được như vậy, họ cần phải có một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ, gắn bó với Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu dạy chúng ta rằng «luật căn bản để hoàn thiện con người và qua đó để biến đổi thế giới là điều răn mới về tình yêu» (x. Mt 22,40; Ga 15,12; CĐ. Vatican II Gaudium et Spes, số 38). Hành vi cá nhân sẽ mang trọn vẹn tính người khi nó được phát sinh từ tình yêu, biểu lộ tình yêu và hướng về tình yêu. Trong phạm vi xã hội, sự thật này cũng y như vậy. Các Kitô hữu cần phải là những nhân chứng xác tín sâu xa về tình yêu, và qua cuộc sống của mình, họ cần chứng tỏ rằng tình yêu là động lực duy nhất (x. 1 Cr 12,31.14,1) để dẫn đến sự hoàn thiện bản thân và xã hội (x. Tóm lược Học Thuyết Xã hội, số 580).
Theo linh đạo này, mỗi hội viên Caritas trở thành người xây dựng nền văn minh tình yêu.

Điều 2. Tổ chức đời sống
Mỗi hội viên Caritas được mời gọi tổ chức đời sống theo linh đạo bác ái trên đây.
*  Mỗi ngày:
– Linh mục tham gia vào các chương trình bác ái xã hội của Caritas Trung ương, giáo phận hay giáo xứ khuyến khích các tín hữu thể hiện lòng bác ái với người khác.
– Mỗi tín hữu dâng 1 kinh bất kỳ (Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Một thời để yêu và một thời để sống….) cầu cho nhiều người sống tinh thần bác ái.
– Tập thể hiện lòng yêu thương chân thành, quảng đại cho người khác bằng một nụ cười, một lời hỏi thăm, khích lệ, một câu xin lỗi…
* Mỗi tháng:
– Dành từ 1 đến 2 giờ làm một công việc cụ thể giúp đỡ những người nghèo khổ trong địa phương mình.
– Họp Caritas giáo xứ (1 giờ) nhằm trao đổi, học hỏi, cùng giúp nhau tiến tới.
* Mỗi năm: Họp Caritas Giáo phận để tổng kết và hoạch định kế hoạch năm mới. Có thể dành vài ngày cùng tĩnh tâm chung.

Điều 3. Quyền lợi
* Về mặt thiêng liêng: tại Caritas Trung ương mỗi ngày có một Thánh lễ cầu cho các hội viên Caritas còn sống hay đã qua đời.
Hội viên Caritas được hưởng các ơn ích thiêng liêng từ các Thánh lễ và lời kinh mỗi ngày do các hội viên cùng thực hiện.
* Về mặt đào tạo:  hội  viên  Caritas được tham dự các khoá đào tạo nhân bản, đạo đức, chuyên môn… để có khả  năng sống  và thực hiện các công tác  bác ái xã hội.
* Về mặt xã hội: hội viên Caritas được ưu tiên đón tiếp và trú ngụ trong các hội sở của Caritas trên toàn quốc.
Khi gặp hoạn nạn khó khăn, hội viên Caritas nhận được sự trợ giúp của các hội viên Caritas khác trong tinh thần tương thân tương ái.
Sau một thời gian phục vụ lâu dài, hội viên Caritas được săn sóc, nuôi dưỡng khi về già và được giúp đỡ an táng khi qua đời.

Điều 4. Nhiệm vụ
1. Về mặt tinh thần
– Sống liên đới với các hội viên Caritas qua việc tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, tương trợ.
-Tự rèn luyện để trở thành một hội viên Caritas có nhiều khả năng phục vụ qua việc tham gia các khoá đào tạo của Caritas nhằm thăng tiến bản thân và làm cho thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
– Mời gọi các bạn trẻ tham gia chương trình bác ái xã hội qua các phương tiện truyền thông.
2. Về mặt vật chất
– Kết hợp với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn bằng việc giảm bớt chi tiêu không cần thiết hay nguy hại để góp vào quỹ bác ái chung ở giáo xứ.
– Hằng năm, vào Mùa Chay, hội viên Caritas hưởng ứng việc quyên góp cho quỹ bác ái của Caritas Trung ương hay Caritas Giáo phận để thực hiện các dự án chung.

Điều 5. Tìm hiểu và gia nhập Caritas Việt Nam
Mọi người đều có thể tham gia vào Caritas Việt Nam mà không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính trị. Để trở thành hội viên của Caritas Việt Nam, ứng viên được đề nghị tìm hiểu về Caritas trong một thời gian và tập làm quen với những sinh hoạt bác ái tại giáo xứ.
Giáo xứ có thể tổ chức khoá huấn luyện cho các ứng viên này.
Mỗi ứng viên chính thức viết đơn xin gia nhập hiệp hội Caritas và gửi về văn phòng Caritas Giáo phận cũng như thông báo về Caritas Trung ương. Thẻ hội viên sẽ được cấp phát cho những hội viên đủ điều kiện. Linh mục phụ trách Caritas giáo xứ có thể tổ chức một vài ngày tĩnh tâm cho các ứng viên. Nghi thức gia nhập có thể được cử hành trong Thánh lễ để nói lên tính trang trọng và sự dấn thân của hội viên với Chúa Giêsu. Thẻ hội viên được phát trong nghi thức gia nhập.

Điều 6. Việc ban hành Nội quy
Nội quy này được Hội đồng đại biểu Caritas biểu quyết chấp thuận trong phiên họp ngày 23-10-2008, tại Toà Giám mục Xuân Lộc.

Điều 7. Việc sửa đổi Nội quy
Nội quy này gồm 6 điều. Mọi thay đổi trong Nội quy này phải được Hội đồng đại biểu chấp thuận và được sự chuẩn nhận của HĐGM VN.

Làm tại Xuân Lộc, ngày 24-11-2008
TM. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
TM. CARITAS VIỆT NAM